Bạn mới bắt đầu với việc chụp phóng sự cưới hoặc đã chụp một thời gian nhưng vẫn còn bối rối trong việc thể hiện hình ảnh? Trong bài viết này, Bow sẽ chia sẻ với bạn 7 yếu tố cơ bản nhất để giúp bạn hiểu đúng bản chất và quy trình của một đám cưới. Các yếu tố chuyên sâu và phương pháp kỹ thuật đã được trao đổi trong lớp học rồi nhé!
Một đám cưới có bao nhiêu tiết mục đẹp? Có bao nhiêu khoảnh khắc và cảm xúc đẹp? Bạn có thấy được bao nhiêu cảm xúc và chứng kiến được bao nhiêu khoảnh khắc? Bạn chỉ có thể chụp được nếu bạn biết trước sự việc đó sẽ diễn ra. Và không có cách nào tốt hơn là nắm rõ timeline, lịch trình của đám cưới.
Bạn cần biết tiết mục nào sắp xảy ra để chuẩn bị từ vị trí đến các yếu tố kỹ thuật cần thiết để ghi lại sự kiện. Nếu bạn thụ động chờ đợi sự việc diễn ra mà không biết trước, hoặc sự việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ, thì liệu bạn có thể sẵn sàng ghi nhận lại với đầy đủ các yếu tố kỹ thuật hay không?
Những màn như rót rượu, cắt bánh hay toasting thì ai cũng có thể chụp được. Nhưng những tiết mục, những giây phút bất ngờ, xúc động, và những diễn biến trong ngày cưới sẽ cần bạn phải hiểu và lên timeline, đồng thời can thiệp vào lịch trình của đám cưới. Chỉ cần ngay từ phút đầu tiên bước vào đám cưới, bạn có thể hình dung được đám cưới này sẽ diễn ra như thế nào.
Ví dụ: Trong một bài viết trước, Bow đã đề cập đến việc nếu cô dâu có một đoạn lên sân khấu để phát biểu gửi lời cảm ơn đến cha mình và đoạn phát biểu này sẽ rất xúc động, bạn có biết trước để chọn vị trí ghi lại cảm xúc của cha cô dâu đang đứng ở ngoài cửa hay không? Hay lúc đó, bạn chỉ tập trung vào cô dâu đang ở trên sân khấu?
Timeline là yếu tố cơ bản và cần thiết nhất cho bất kỳ ai chụp phóng sự cưới. Không chỉ giúp photographer biết trước sự việc để không bỏ lỡ khoảnh khắc, timeline còn là công cụ để photographer tìm hiểu rõ hơn về chủ thể của mình, về cảm xúc, tâm tư tình cảm, và các mối quan hệ của chủ thể với những người khác trong đám cưới.
7 yếu tố quan trọng khi chụp Phóng sự cưới đẹp Tuy Hoà Phú Yên
RESEARCH
Chụp một tấm ảnh chỉ để làm gì nếu bản chất của nó không phải là kể lại câu chuyện bằng hình ảnh? Nhiếp ảnh và phim ảnh, nói chung, là ngôn ngữ để bạn truyền tải những câu chuyện thông qua việc ghi lại các sự kiện.
Trong một đám cưới, bạn có thể kể một cách hời hợt rằng "đám cưới này có cái này cái kia, có người này người nọ", hay bạn sẽ kể về tâm tư, tình cảm và mối quan hệ trong gia đình của họ. Để hiểu rõ bạn đang kể câu chuyện gì và ghi lại điều gì bằng máy ảnh, giai đoạn tìm hiểu đối tượng và thông tin về đối tượng (Research) là rất quan trọng cho bất kỳ hình thức storytelling nào cũng như cho mọi thể loại sử dụng ngôn ngữ hình ảnh. Nếu thiếu đi giai đoạn này, bạn sẽ chỉ như đang miêu tả một cách đơn giản mà thôi.
Ví dụ: Khi bạn đến chụp một phóng sự cưới, bạn có thể chụp tất cả mọi thứ diễn ra trước mắt. Bạn thấy anh trai của cô dâu và cũng chụp anh ấy, nhưng đối với bạn, đó chỉ là một nhân vật bên nhà gái. Tuy nhiên, nếu bạn đã nghiên cứu và biết rằng đây là một người rất quan trọng với cô dâu—chẳng hạn như người anh này từng học giỏi nhưng phải nghỉ học để nuôi đứa em gái—thì những bức ảnh bạn chụp sẽ trở nên ý nghĩa hơn. Khi bạn nhận biết được cảm xúc và sự gắn bó của họ, những khoảnh khắc chụp được sẽ chứa đựng nhiều cảm xúc và giá trị không chỉ với cô dâu mà còn với chính bạn.
Khi bạn đã có một timeline chặt chẽ và một quá trình nghiên cứu (research) sâu sắc về cô dâu chú rể, bạn có thể quan sát để đoán trước các tình huống và sự kiện có thể xảy ra trong đám cưới. Những chi tiết và bất ngờ mà timeline hay research không thể chỉ ra sẽ trở thành cơ hội vàng để bạn ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt.
Ví dụ, khi cô dâu đang làm lễ tại nhà thờ và nếu cô ấy cảm động đến mức rơi nước mắt, bạn sẽ phải phán đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Có thể chú rể sẽ nhẹ nhàng lau nước mắt cho cô dâu, hoặc họ sẽ ôm nhau. Lúc đó, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để bắt được khoảnh khắc đó. Rồi dàn phù dâu sẽ cảm động và đưa tay lên ngực? Hãy chuẩn bị máy hướng về phía họ và chờ đợi khoảnh khắc.
Bow đã thấy nhiều bạn khi chụp hình cô dâu chú rể đang nhảy múa trên sân khấu, nhưng khi nhạc dừng lại, họ lại bỏ máy xuống. Họ không nhận ra rằng đây chính là thời điểm khoảnh khắc sẽ diễn ra, khi cô dâu bắt tay với dancer hay có những hành động vui nhộn với bạn bè. Tương tự, khi cô dâu rót champagne hay cắt bánh, họ thường chỉ chụp theo quy trình mà không nhận ra những khoảnh khắc thú vị ngay sau đó có thể xảy ra. Những lúc như vậy, Bow không bao giờ bỏ máy xuống, vì mình biết rằng những điều thú vị sẽ diễn ra và mình phải chớp lấy cơ hội đó.
MOMENTS – KHOẢNH KHẮC
Khoảnh khắc không chỉ đơn thuần là cười tươi hay rơi nước mắt. Trong workshop của Khanh Ng, anh đã đề cập đến khái niệm "HAND" - bàn tay, mà Bow đã nhắc đến trong bài viết trước về chụp cưới như Twomann.
7 yếu tố quan trọng khi chụp Phóng sự cưới đẹp Tuy Hoà Phú Yên
Khi bạn bất ngờ, bạn sẽ mở miệng và đưa tay lên che mặt, như kiểu “Oh my God, Oh my God!!!” Khi bạn hồi hộp, bạn sẽ chắp hai bàn tay lại và đưa lên trước ngực. Khi phấn khích, bạn sẽ giơ tay chỉ ngón tay lên trời hoặc nắm chặt tay và thể hiện sức mạnh và sự tự tin. Nếu bạn mệt, bạn sẽ dùng tay áo lau mồ hôi trán. Nếu cảm động, người lớn tuổi có thể đưa tay lên ngực, trong khi người trẻ sẽ dùng mu bàn tay để lau nước mắt. Tóm lại, có rất nhiều cách để diễn đạt cảm xúc qua cử chỉ. Khi chụp ảnh, việc quan sát các cử chỉ (gesture) của nhân vật sẽ giúp bạn đoán được cảm xúc để bắt khoảnh khắc đúng lúc. Và bàn tay, thậm chí cả cánh tay, là phương tiện thể hiện biểu cảm rõ ràng và đa dạng nhất. Sự hiện diện của bàn tay trong bức ảnh chính là yếu tố thể hiện cảm xúc của nhân vật. Nếu thiếu bàn tay, người xem sẽ khó lòng cảm nhận được biểu cảm trong bức ảnh.
Trong các lớp workshop của Hải Thanh, anh thường nhấn mạnh việc quan sát các cử chỉ và hành động của nhân vật. Một tư thế ngồi có thể thể hiện nhiều trạng thái khác nhau như mệt mỏi, căng thẳng, tự tin hoặc thoải mái. Một dáng đi, dáng đứng, hay cách nghiêng người đều là những điểm đáng chú ý để ghi nhận.
Khoảnh khắc không chỉ là tiếng cười, nước mắt, hay những động tác nhảy múa. Đôi khi, khoảnh khắc chỉ là những ánh mắt, những bóng dáng thoáng qua, ánh sáng hay khung cảnh—là bất kỳ điều gì mà chúng ta cảm nhận được cảm xúc và muốn ghi lại với lý do chính đáng.
Người chụp phụ không chỉ là người hỗ trợ hay học viên. Theo định nghĩa trong workshop của Stephen Huỳnh, "Second Shooter" là "Người Chụp Chính Thứ Hai". Họ phải là người có trình độ tương đương với người chụp chính. Người chụp phụ cần phải hiểu ý để phối hợp ăn ý với người chụp chính, từ việc di chuyển, sử dụng thiết bị đến phân chia công việc.
Nhiều nhiếp ảnh gia ở Việt Nam vẫn nghĩ rằng nếu mình là người chụp chính, họ có thể sáng tạo theo cách riêng, còn người chụp phụ chỉ cần chụp những khoảnh khắc đơn giản như chào bàn hay tiễn khách—những gì mà người ta thường gọi là "chụp truyền thống". Thực tế lại hoàn toàn khác. Người chụp chính, được trả tiền để thực hiện công việc này, phải đảm bảo rằng tất cả các tiết mục trong timeline được ghi nhận đầy đủ. Ngược lại, người chụp phụ có thể thoải mái sáng tạo hơn.
Hiện nay, có nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng 2nd shooter như một chiêu trò để khẳng định bản thân. Họ thường tìm kiếm một người chụp phụ có khả năng cover hết quy trình của một đám cưới, để người chụp chính chỉ cần thoải mái set up và chụp những tấm ảnh giống những hình mẫu nổi tiếng trên mạng. Họ không phải chịu áp lực về thời gian hay quy trình. Tuy nhiên, những người chụp theo cách này thường chỉ đưa ra những bức ảnh đẹp về mặt kỹ thuật mà không có giá trị về storytelling. Họ có thể có vài tấm hình đẹp để đăng lên Facebook nhưng lại thiếu đi sự kết nối và cảm xúc.
Mặc dù việc có người chụp phụ mang tính kỹ thuật nhiều hơn, nhưng những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về đám cưới, chuẩn bị và setup thiết bị một cách bài bản. Khi vào đám cưới, họ có thể tự do tuân theo diễn biến và cảm xúc của sự kiện mà không phải phụ thuộc vào một phân chia nào đó.
GIÁ TRỊ HÌNH ẢNH
Trong bài viết "Phóng Sự Cưới Là Gì?", Bow đã nêu lên câu hỏi: Tấm ảnh nào có giá trị nhất đối với cô dâu và chú rể? Tấm nào họ sẽ in ra và treo lớn nhất? Hay tấm nào họ sẽ cùng gia đình xem nhiều nhất?
Đó không phải là tấm bạn núp né để chụp từ xa, cũng không phải là những bức ảnh phản chiếu hay bắt khoảnh khắc này bằng cách sử dụng ánh sáng nọ. Tấm ảnh giá trị nhất chính là hình ảnh mà cô dâu, chú rể và gia đình hai bên cùng nhìn thẳng vào ống kính, cười tươi, với nét mặt rõ ràng. Đó sẽ là bức ảnh họ in ra nhiều nhất, treo lên tường, và sau này khi lật album sẽ chỉ cho con cháu xem về ông bà, cô bác. Nó cũng có thể là những bức chân dung của ông bà, ông cố, bà cố—những người có thể không còn nữa trong tương lai. Bow luôn chú trọng đến những hình ảnh truyền thống này vì Bow hiểu giá trị của chúng đối với gia đình.
Còn về những bức ảnh phóng sự? Nếu bạn hiểu rằng phóng sự cưới chính là một câu chuyện, thì khi sự kiện đang diễn ra trước mắt, tại sao bạn lại phải núp né để chụp? Những bức ảnh đó có thực sự làm cho tác phẩm của bạn trở nên cảm xúc hơn, hay chỉ đơn giản là những hình ảnh thể hiện kỹ thuật?
7 yếu tố quan trọng khi chụp Phóng sự cưới đẹp Tuy Hoà Phú Yên
Nếu bạn đã xem qua album phóng sự cưới của các nhiếp ảnh gia trong studio của Bow, bạn sẽ thấy rằng rất khó để tìm ra một bức ảnh nào quá “xuất sắc” để có thể in ra trưng bày hay đem đi thi. Nhưng nếu bạn xem đầy đủ cuốn album đó, bạn sẽ bị cuốn hút bởi cảm xúc của một đám cưới. Bạn sẽ cảm nhận được không gian và thời gian, cũng như mọi cảm xúc của các nhân vật trong ngày cưới đó. Nếu bỗng nhiên có một bức ảnh nào đó quá phô diễn kỹ thuật, theo kiểu núp né, ánh sáng ấn tượng, xuất hiện trong album phóng sự, nó sẽ khiến Bow cảm thấy không thoải mái. Bow quan niệm rằng phóng sự cưới là câu chuyện và khi chụp, Bow luôn biết mình muốn ghi lại điều gì. Bow không bao giờ bị áp lực phải chụp theo phong cách của người khác; Bow sẽ kể câu chuyện bằng những gì mình thấy, cảm nhận và hiểu được nhờ vào nghiên cứu.
Chủ thể ở đây không chỉ là cô dâu và chú rể mà là tất cả những người có mặt trong ngày cưới. Trong lớp Nhiếp Ảnh nâng cao Bow101, Bow đã phân tích nhiều phương pháp tương tác. Tuy nhiên, điều Bow thấy quan trọng nhất, cũng là điều nhiều người thường bỏ qua, chính là: chào hỏi để mọi người biết bạn là ai.
Khanh Nguyễn từng chia sẻ trong một talkshow tại B Coffee rằng khi đến đám cưới, bạn nên dành thời gian đi lòng vòng chào hỏi tất cả mọi người trước khi chụp. Việc này không chỉ giúp bạn biết họ là ai mà cũng để họ biết bạn là ai. Điều này sẽ giúp họ tự tin hơn trước ống kính của bạn, đồng thời giúp bạn "tàng hình" hơn trong mắt họ, kết hợp với những kỹ năng khác. Bạn cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn khi tiếp cận các sự kiện diễn ra.
Ví dụ: Bow từng đi chụp với vài nhiếp ảnh gia khác. Họ chỉ chào hỏi cô dâu và chú rể rồi lặng lẽ chờ để ghi lại những gì diễn ra trước mắt. Họ biết rằng một nhóm phụ nữ (không có cô dâu trong đó) đang trang điểm và cười đùa trong một phòng trên lầu, nhưng lại ngại không dám bước lên để chụp. Nếu bạn đã chào hỏi và tự giới thiệu trước đó, liệu bạn có dễ dàng tiếp cận và ghi lại những khoảnh khắc mà bạn muốn không?
Chuyện tương tác với chủ thể trước, trong và sau khi chụp là một đề tài dài nhưng cũng rất thú vị. Có rất nhiều kỹ năng, phương pháp và vấn đề cần bàn luận, nhưng việc chào hỏi để mọi người biết bạn là ai là điều Bow thấy đơn giản mà hiệu quả nhất. Các vấn đề sâu xa hơn sẽ được thảo luận trong những bài viết chuyên sâu khác.
Khuôn khổ bài viết này có giới hạn, nhưng đây là 7 điều cơ bản nhất mà bạn cần lưu ý khi chụp phóng sự cưới. Các yếu tố khác và những vấn đề liên quan đến kỹ thuật sẽ được phân tích trong các bài viết khác.
Tác giả: bientap2
Nguồn tin: bow101 .com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn